Trời Tây , Trời Ta - Trần Đạt

2011-01-08 10:27

Trời Ta, Trời Tây

Bây giờ là trưa thứ Bảy cuối tuần (ở Mỹ một tuần chỉ có 5 ngày làm việc, 2 ngày thứ Bảy và Chủ Nhật là cuối tuần), tranh thủ chút giờ viết vài hàng cho bạn bè MT. Mấy đứa nhỏ nhà mình thứ Bảy đi học giáo lý (nhà thờ) và học thêm Việt Ngữ, chở chúng nó đi học xong rồi thì mình có được chút giờ rảnh.
Mình muốn kể cho các bạn nghe về một số điều đã ghi nhận được qua chuyến đi chơi đến một nơi mà một thời từng được mệnh danh là kinh đô ánh sáng, là xứ sở mà đã để lại rất nhiều dấu ấn trong nền văn hoá Việt Nam thời hậu bán thế kỷ 19 và tiền bán thế kỷ 20.
Dân Mỹ là dân tộc rất phóng khoáng và thực tiễn trong đời sống về mọi mặt. Từ cách ăn mặc, cách dùng ngôn ngữ, v.v… Tiếng Mỹ có nguồn gốc từ tiếng Anh, mà đối với người Anh thì tiếng Mỹ phát âm không chuẩn và cách dùng từ cũng khác tiếng Anh. Ví dụ như tiếng Mỹ trong đối thoại ngày nay không còn thấy có chữ “SHALL”, mà chỉ có chữ “WILL” thôi. Cách ăn mặc thì miễn sao cho thoải mái, trừ những công sở mà đòi hỏi phải cho thích hợp với công việc như về thương mại tầm cỡ quốc tế, hoặc trong các văn phòng chính phủ cấp tiểu bang trở lên và bên ngoại giao…
Cách ăn mặc của người Mỹ dễ dàng bao nhiêu thì người Pháp lại ngược lại. Điều nổi bật trước tiên ở người Pháp mà mình ghi nhận được là phong cách ăn mặc thật chỉnh tề (formal). Tại Paris cũng như các thành phố ở Pháp đều có các nhà vệ sinh công cộng. Không giống ở Mỹ, khách bộ hành và du khách muốn dùng nhà vệ sinh công cộng đều phải trả tiền. Công việc ngồi trực thu tiền tại các nhà vệ sinh công cộng phần nhiều do các người Pháp da màu đảm trách (mình thấy mấy cô người Pháp da đen), loại việc này có không cần nhiều kỹ năng hoặc kiến thức, là công việc rất tầm thường trong các nấc thang ngành nghề của xã hội. Các bạn thử hình dung xem những người làm công việc này ăn vận ra sao? Đối với một người sống ở Mỹ như mình thì thấy cảnh đó hơi buồn cười, ngồi đằng sau các khung cửa kiếng hoặc chấn song sắt trong các kios nhỏ bé tối tăm của các nhà vệ sinh công cộng là những người trong các bộ com-lê vést tông cà vạt đàng hoàng! Trên đường phố Paris trong hàng người tấp nập qua lại, có lẽ vợ chồng mình là những người ăn mặc bình thường không giống ai cả. Cách ăn mặc và phục sức đối với người Pháp là quan trọng như vậy, do đó những người trong các hàng quán và dịch vụ nhìn mình với con mắt không có thiện cảm tí nào.
Mình nhớ lần coi các trận chung kết giải túc cầu thế giới World Cup tại Việt Nam khoảng năm 1982 gì đó, đội Pháp là một trong những đội vô vòng chung kết. Trước khi trận đấu diễn ra, khán giả ủng hộ đội Pháp thảy vào sân một con gà trống. Bố mình (có học về ngôn ngữ và văn hoá Pháp) cho biết nước Pháp có con gà Gô là biểu tượng, và họ rất hãnh diện về yếu tố dân tộc đó. Có lẽ dân Pháp rất kiêu hãnh về đất nước và con người của họ, nên họ không vui vẻ lắm đối với các du khách không nói tiếng Pháp vì không thích hoặc không biết. Mình vô một siêu thị nhỏ mua ít bánh và trái cây, bà nhân viên thâu ngân trạc độ 50 tuổi tại quầy tính tiền nói tiếng Pháp với mình, bà tỏ vẻ bực tức hơi hằn học với mình khi mình không chào hỏi bà bằng tiếng Pháp và vì cho bà biết rằng mình không hiểu tiếng Pháp. Ở một số nhà hàng nội thành Paris mình cũng trải qua những kinh nghiệm tương tự. Tại một nhà hàng nọ, khi thấy các nhân viên không niềm nở cho lắm đối với mình, một cô thực khách người Canada gốc Phi Châu cho mình biết rằng nếu không rành tiếng Pháp thì ít nhất nên biết vài câu chào hỏi. Cô làm việc trong lãnh vực business nên thường xuyên qua lại giữa Canada và Pháp. Theo cô ta thì người Pháp rất thích du khách dùng ngôn ngữ của họ, cho dù là chỉ vài câu chào hỏi. Cô người Canada đó sống tại vùng Quebec là khu vực thuộc địa của Pháp trước kia và là vùng duy nhất dùng tiếng Pháp tại Canada, từ ngôn ngữ dùng hằng ngày, trường học, công sở, cho đến các văn kiện của chính phủ đều bằng tiếng Pháp. Như những người dân Canada tại Quecec, cô đó thông thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh.
Người Pháp có lẽ rất hãnh diện về văn hoá và ngôn ngữ của họ nên họ muốn du khách nói tiếng Pháp cho dù chỉ vài câu chào hỏi.
Một hôm loanh quanh thăm viếng một vài nơi ở Paris, đến trưa đi xe điện ngầm đến quận 13 là nơi có các hàng quán dịch vụ của người Việt Nam với hy vọng được ăn đồ Việt Nam. Một điểm tương đồng mà người dân Pháp có với người Việt Nam mình là họ có nghỉ trưa, từ văn phòng các công sở cho đến các cửa tiệm. Ghé lại một nhà hàng Việt Nam, thấy ông chủ đang thảnh thơi đi qua đi lại, bên trong nhà hàng đèn đóm tắt hết, ghế xếp hết lên trên bàn. Hỏi thì ông ta trả lời rằng nhà hàng đóng cửa nghỉ trưa và sẽ mở lại vào buổi chiều. Khoảng 11 giờ rưỡi trưa thì tại các trạm xe điện ngầm quanh vành đai Paris từng đoàn người lũ lượt hối hả lên các tuyến xe để về nhà nghỉ trưa. Khoảng gần 1 giờ chiều thì quang cảnh vắng vẻ của các bến xe điện ngầm Metro lại trở nên tấp nập đón những tốp người trở lại sở làm. Thành phố Paris có hệ thống xe điện ngầm rất tiện lợi, đáp ứng được nhu cầu di chuyển trong thành phố. Đường phố Paris tương đối chật hẹp nên việc di chuyển bằng xe hơi không tiện, do đó xe điện ngầm Metro là phương tiện di chuyển rất phổ thông.
Trong suốt chiều dài lịch sử của nước Mỹ (khoảng 230 năm) có những giai đoạn người gốc Phi Châu bị bắt từ quê hương xứ sở của họ và bị bán làm nô lệ như một món hàng tại chợ búa ở Mỹ. Ngày nay người Mỹ gốc Phi Châu tuy không còn phải sống cuộc đời nô lệ như cha ông họ nữa, nhưng tại những thành phố lớn các cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu thường có một cuộc sống không mấy sung túc. Đa phần họ phải lam lũ với những công việc tay chân và đồng lương thì thấp kém. Hiện tượng này hoàn toàn không phải là do xã hội Mỹ có cách đối xử phân biệt với người da màu. Có lẽ yếu tố chính là do những người Mỹ gốc Phi Châu không chịu khó trang bị cho mình kiến thức qua việc học hành. Cuộc sống của những người Mỹ gốc Phi Châu tại Mỹ tuy cũng khá cực khổ, nhưng những người Pháp gốc Châu Phi bên Pháp thì xem ra còn lận đận hơn. Lang thang tại các tụ điểm nơi có nhiều du khách qua lại là các anh Pháp gốc Phi Châu (Tây Đen) bán hàng rong (cảnh này ở Mỹ không có). Dường như ở xã hội nào (Pháp hay Mỹ) cũng thế, những dân tộc da màu (đặc biệt là da đen) vẫn đang phải sống trong cảnh nghèo khó và thiệt thòi..

                                                                                                             Trần Đạt

Topic: Trời Tây , Trời Ta - Trần Đạt

XIN MỜI BẠN CHO VÀI DÒNG LƯU BÚT

TÌM TRONG TRANG

VÀ CHUYỆN NAY

2012-02-14 22:26

HAI HAY BA ĐOẠN... - Đức Trung

đoạn 1 Cái gì để lâu cũng phai nhòa, nhưng...
2012-02-14 22:18

TƯỜNG TRÌNH HỌP MẶT - Trúc Linh

Một năm một lần "đến hẹn lại lên"... Tận hưởng...
2011-01-08 10:27

Trời Tây , Trời Ta - Trần Đạt

Trời Ta, Trời Tây Bây giờ là trưa thứ Bảy cuối...
2010-12-14 23:34

Chiện dở khóc dở cười: Ôi thời đại Vi tính, nó „vật“ tui !

Phạm Hoán | 2010-12-13     Gần...
2010-12-06 05:22

CÁI PHÒNG NHỎ - Quốc Anh

...
2004-01-01 13:37

TIẾNG CHUÔNG TRÚC